Trước đây, khi nghĩ đến HR, tôi nghĩ ngay đến Những con người làm cầu nối giữa nhân viên và Ban giám đốc, giữa Người lao động và Người sử dụng lao động. Họ là những người sẽ chịu trách nhiệm về mảng Tuyển dụng, Thực thi và đảm bảo Các chế độ lao động, Các công việc giấy tờ tẻ nhạt, và một thứ nữa mà tôi luôn cảm thấy ngán ngẩm: họ phải nhai đi nhai lại cho đến lúc thuộc lòng cái gọi là Luật Lao Động. Tôi vẫn luôn nghĩ HR rất quan trọng, vì họ sẽ là những người Quản lý và tác động đến phần "Con người" trong mỗi doanh nghiệp, tập thể, nhưng tôi cũng chẳng hiểu cụ thể là HR sẽ làm cái gì.
Nhưng bạn tôi đã cho tôi một góc nhìn khác hơn, mới mẻ hơn (với bản thân tôi, tất nhiên rồi).
Bạn tôi nói: HR là Bộ phận xây dựng chính sách, nền tảng để phát triển “con người” trong tập thể, nói cách khác, HR chính là bộ phận xây dựng nên Văn hoá của tập thể, doanh nghiệp. Khi một nhóm người tập trung lại với nhau, đương nhiên họ tập trung là vì lý tưởng của một người, hoặc một nhóm người, mà cụ thể trong các doanh nghiệp chính là lý tưởng kinh doanh của Giám đốc và Ban Giám đốc. Tuy nhiên, trong nhóm người như vậy, luôn có những tính cách khác nhau, phong cách khác nhau mà khi đặt họ chung vào một vị trí và để họ tự do phát triển, chưa chắc đã đi đến được lý tưởng đã đặt ra ban đầu. Và đây chính là lúc HR phải có mặt. HR tiếp nhận những lý tưởng của Ban giám đốc, xây dựng các nguyên tắc của doanh nghiệp, những quy trình làm việc và quan trọng là phải luôn giúp cho nhóm người này cảm thấy thoải mái để họ có thể cống hiến hết mình cho công việc, để họ không bao giờ phải cảm thấy "Mình đang đi làm"
Đây chính là xây dựng Văn hoá doanh nghiệp. Một doanh nghiệp chuyên nghiệp? năng động? sáng tạo? chăm chỉ? vui vẻ? Tất cả đều phụ thuộc vào HR. Tuy nhiên, xây dựng Văn hoá là một chuyện, Duy trì văn hoá doanh nghiệp lại là chuyện khác. HR không khác gì công việc "làm dâu trăm họ" khi phải cố gắng đảm bảo được sự cân bằng giữa quyền lợi của Ban giám đốc và Nhân viên, giữa những nhân viên với nhau, và còn phải duy trì cho mỗi nhân viên đều phải cảm thấy đây là môi trường lý tưởng để mình có thể làm việc và cống hiến. Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế chẳng ai có thể chiều lòng tất cả mọi người, hơn nữa, dù gì thì Ban giám đốc cũng là người bỏ tiền để thuê HR làm những công việc này, nên không thể nào hoàn toàn bỏ Ban giám đốc để đứng hoàn toàn về phía Nhân viên được. Do đó, nhiệm vụ của HR chính là phải đưa Văn hoá doanh nghiệp vào trong mỗi nhân viên, duy trì sự gắn bó đoàn kết trong cả tập thể và giúp mỗi nhân viên tự ý thức được mình phải làm gì để phù hợp với tập thể đó, phù hợp với Mục tiêu mà Ban giám đốc đề ra.
Văn hoá được hình thành, thì phải có "con người" để nằm trong "văn hoá" đó. HR tuyển dụng mục đích không phải để tìm người TÀI, mà tìm người PHÙ HỢP. Tìm một người tài giỏi hoặc một người giỏi vừa đủ cho một công việc không phải khó, mọi trưởng bộ phận hoặc ngay chính bản thân những nhân viên làm việc trong công ty đều có thể làm được điều đó. Nhưng để đảm bảo những người được tuyển dụng đó ngoài phụ hợp với công việc, còn phải phù hợp với Văn hoá doanh nghiệp nữa thì chỉ HR mới có thể nhìn ra và sàng lọc chính xác được. Tại sao việc phù hợp với Văn hoá doanh nghiệp lại là điều quan trọng? Chính là để đảm bảo cho người được tuyển dụng sẽ "không phải đi làm một ngày nào nữa", qua đó, hiệu quả của công việc sẽ luôn được đảm bảo và Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ đó.
Sau tuyển dụng, chính là quá trình Đào tạo nhân viên. Đào tạo luôn có 2 phần: Đào tạo chung và Đào tạo chuyên môn. Đào tạo chuyên môn là đào tạo cụ thể về công việc của vị trí trong doanh nghiệp mà nhân viên đó đảm nhận, đương nhiên, HR không thể làm được việc này. Công việc của HR chính là phần Đào tạo chung, để đảm bảo nhân viên "đi làm như đi chơi". Theo lời bạn tôi: "với một nhân viên mới vào, nếu coi họ là một tờ giấy trắng, chưa biết một tí gì về công ty thì HR sẽ là người viết những dòng đầu tiên, là người tạo định hướng về văn hóa và về mục đích cống hiến". OK. Về phần "Mục đích cống hiến" tôi sẽ đề cập ở một blog nào đó khác, còn ở đây, tôi muốn tiếp tục theo cái ý tưởng "Định hướng về văn hoá". Văn hoá doanh nghiệp là cái mà HR đã phải dày công nghiên cứu, xây dựng và được coi là quy chuẩn cho cả toàn công ty, vì vậy với một người mới vào không thể nào cả một tập thể lại phải thay đổi để phục vụ cho một mình người đó, mà người đó phải thay đổi để phù hợp với tập thể. Trên lý thuyết, khi tuyển dụng HR đã sàng lọc và chọn ra người phù hợp với Văn hoá doanh nghiệp rồi, thì phần Đào tạo này thật dễ dàng. Tuy nhiên, trong thực tế, để tìm được một người phù hợp 100% để rồi không phải đào tạo nữa là điều bất khả thi, vì vậy, dù đã phù hợp đến 99% rồi, thì 1% còn lại cũng vẫn phải qua đào tạo kỹ càng. Đây chính là những ấn tượng đầu tiên của nhân viên khi vào công ty, và chính là ấn tượng quan trọng nhất để quyết định sự gắn bó của nhân viên với công việc. Làm cách nào để truyền cảm hứng cho nhân viên với Văn hoá của doanh nghiệp, đấy chính là bài toán mà HR cần giải đáp.
Ngoài ra, còn rất nhiều công việc hành chính, giấy tờ, tính toán lương nhân viên... vân vân và vân vân, những công việc mà đến giờ tôi vẫn cảm thấy rất ngán ngẩm, nhưng đấy là công việc của HR, không thể khác được. Tuy nhiên, có một câu nói của bạn tôi mà thật sự nó khiến tôi thấy HR thú vị hơn bao giờ hết:
"Nếu Project của các bộ phận khác trong doanh nghiệp là về Doanh thu, Doanh số, thì đối tượng trong Project của HR chính là con người và văn hoá". Hoàn toàn trùng với tư tưởng của cụ Nguyễn Trãi mà tôi vẫn luôn theo đuổi bao lâu nay:
Lật thuyền mới biết sức dân như nước
Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân
- NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442)
Và tôi nhìn thấy nhiều con đường để làm Project này... :)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét